[Báo Đồng Nai] Năm 2024, ngành gỗ tìm cơ hội phục hồi

Hết năm 2023, sản xuất, xuất khẩu ngành gỗ của cả nước cũng như Đồng Nai giảm sâu so với năm trước và không đạt kế hoạch năm. Bước vào mùa sản xuất mới, nhiều vấn đề nội tại của ngành gỗ đã và đang phát sinh cần phải khắc phục để có thể hy vọng vào một kết quả thuận lợi hơn.

Các đối tác nước ngoài tham quan tại một sự kiện của ngành gỗ Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Các đối tác nước ngoài tham quan tại một sự kiện của ngành gỗ Đồng Nai. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh tìm kiếm đơn hàng trong nước và xuất khẩu, bài toán cơ cấu, sản xuất xanh theo hướng bền vững cũng là xu thế chủ đạo của ngành gỗ trong năm 2024.

* Năm sụt giảm mạnh về giá trị xuất khẩu

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm ngoái.

Tương tự, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2023 đạt 12,1 tỷ USD, tương đương 82,5% kim ngạch của năm 2022. Đây là năm ngành gỗ có tăng trưởng âm, thấp hơn gần 3 tỷ USD so với mục tiêu 17 tỷ USD đề ra từ đầu năm.

Chuẩn bị bước vào năm mới, các doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn còn đứng trước nhiều thách thức như: sụt giảm đơn hàng, các thị trường xuất khẩu lớn yêu cầu nghiêm khắc hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí có DN đã phải đóng cửa.

Tại Đồng Nai, trong cuộc họp giao ban Công đoàn cơ sở các DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh mới đây, đại diện một số DN cho biết, năm 2023, ngành gỗ bị ảnh hưởng mạnh khi giảm đơn hàng từ 50-70%. Một số DN nhận các đơn hàng không có lợi nhuận để lo việc làm cho công nhân. Các DN không có đơn hàng sản xuất buộc phải sắp xếp cho lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng.

Dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu gỗ trong năm 2024 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của toàn ngành đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD. Trong bối cảnh sức mua của thị trường vẫn yếu thì việc đạt được kế hoạch trên không dễ.

* Vừa lo phục hồi, vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới

Để thúc đẩy thị trường, các DN, hiệp hội ngành gỗ đang tích cực thực hiện nhiều chương trình mua bán cuối năm. Tại Đồng Nai, hơn 1 ngàn gian hàng gỗ tham gia Lễ hội mua sắm Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra từ nay cho đến hết ngày 4-2-2024 tại khu chợ đầu mối đồ gỗ Hố Nai (đường Điểu Xiển, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa).

Theo Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (đơn vị tổ chức lễ hội) Võ Quang Hà, sự kiện có quy mô hơn 1 ngàn gian hàng của các DN trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động chính nằm trong lễ hội bao gồm: trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ nội – ngoại thất Việt Nam chất lượng xuất khẩu; tổ chức các buổi hội thảo chủ đề: giải pháp xúc tiến xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất; ứng dụng sáng tạo mới trong sản xuất, chế biến gỗ; lễ hội giỗ tổ ngành gỗ…

Tương tự, đầu năm 2024, Hiệp hội Chế biến gỗ mỹ nghệ TP.HCM sẽ tổ chức hội chợ HawaExpo 2024, diễn ra từ ngày 6 đến 9-3 với hơn 2,4 ngàn gian hàng, trong đó 80% thuộc nhóm DN sản xuất. Cũng trong năm tới, dựa trên nhu cầu của khách mua hàng, mô hình triển lãm dạng chuỗi đầu tiên tại Đông Nam Á sẽ được ra mắt.

Những bước đi này góp phần mang đến bức tranh toàn cảnh về năng lực của quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thứ 5 thế giới. Đồng thời, từng bước tăng cường kết nối cung – cầu, tháo mác “công xưởng gia công”, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu.

Cùng với việc tìm kiếm đơn hàng, giữ nhịp sản xuất, xuất khẩu thì trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, DN ngành gỗ cũng phải tái cơ cấu, thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới.

Đơn cử, đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), quy định chống phá rừng của EU (EUDR) có hiệu lực từ tháng 6-2023 và các DN nghiệp gỗ xuất khẩu sẽ có 18-24 tháng để đáp ứng các yêu cầu từ quy định mới này.

Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp – Tổ chức Forest Trends cho biết, khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU là các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ, gần 23% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và bán nguyên liệu. 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022. Các quy định mới nói trên sẽ tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường giàu có và nhiều tiềm năng này.

Do đó, theo ông Tô Xuân Phúc, 2 yêu cầu cốt lõi các DN cần lưu tâm để các sản phẩm gỗ được lưu thông tại thị trường này là không gây mất rừng và hợp pháp. Hiện tại, nhiều khách hàng trong khu vực này đã và đang áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất và tiêu dùng bền vững tự nguyện đối với các sản phẩm gỗ, ví dụ các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) đã được ký kết. Trong đó, Việt Nam cam kết tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu sang EU là hợp pháp, không cách nào khác, DN buộc phải thích nghi và làm theo.

Văn Gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status