QUY MÔ CỦA THỊ TRƯỜNG GỖ GHÉP NHIỀU LỚP (TCL) NGÀY CÀNG MỞ RỘNG. ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG TIÊU DÙNG NÀY ĐƯỢC XEM LÀ CƠ HỘI CHO NGÀNH CHẾ BIẾN GỖ VIỆT NAM GIA TĂNG GIÁ TRỊ.
Tháng 7/2022, tòa tháp 25 tầng Ascent có đế bê tông và phần lớn của cấu trúc được làm từ gỗ, tọa lạc tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ) chính thức đi vào hoạt động. Cấu trúc chủ yếu của Ascent sử dụng hệ thống dầm và cột bằng gỗ ghép thanh (glulam) cùng với cột chống đỡ sàn gỗ ghép thanh (CLT). Mặt ngoài tòa nhà chủ yếu được làm bằng kính.
Ngôi sao của kiến trúc
Với độ cao 86,6m, Ascent được chứng nhận là tòa nhà gỗ cao nhất thế giới. Nhưng, để được xây dựng, trước đó nhà đầu tư đã phải khá vất vả mới có được giấy phép đặc biệt để thi công. Sau thử nghiệm an toàn của Ascen, Mỹ mới nới lỏng các hạn chế về quy tắc xây dựng, cho phép gỗ kỹ thuật chính thức bước vào công nghiệp xây dựng. Xu hướng tiêu dùng xanh, các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã tạo ra sự bùng nổ xây dựng công trình bằng gỗ.
Hiện tại, các tòa nhà cao tầng bằng gỗ đã được thiết kế tại các thành phố trên khắp nước Mỹ. Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên ứng dụng gỗ trong xây dựng nhà cao tầng. Trong thập kỷ đầu tiên của thập niên 1990, CLT bước đầu được phát triển ở châu Âu. Nhưng phải đến năm 2015 nó mới được đưa vào Bộ luật Xây dựng Quốc tế (IBC). Vào năm 2021, Hội đồng Quy tắc Quốc tế (ICC) đã chấp nhận 14 sửa đổi quy tắc cho phép các cấu trúc bằng gỗ khối đạt tới độ cao lên tới 18 tầng. Mở đường cho doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường CLT nhiều hơn. Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Grand View Research, quy mô của thị trường gỗ ghép nhiều lớp hay còn gọi là gỗ kỹ thuật toàn cầu đạt 1 tỷ USD vào năm 2022. Đơn vị nghiên cứu này dự đoán thị trường này sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030.
Và cơ hội của Việt Nam
Đánh giá về việc ứng dụng gỗ kỹ thuật vào xây dựng, kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San, nhà sáng lập Viện Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc cảnh quan cho biết, gỗ kỹ thuật chính là “bê tông xanh”, là giải pháp mà ngành xây dựng Việt Nam đang rất cần. Phát biểu tại hội thảo “Kiến tạo không gian xanh – Tương lai bền vững”, tổ chức trong khuôn khổ hội chợ TavicoHome, diễn ra chiều 19/12, ông San khẳng định, ở Việt Nam, ứng dụng của gỗ kỹ thuật có những bước đi đầu tiên với việc sử dụng những nhà lắp ghép gỗ trong các mô hinh farm house, farm resor… “Với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình Việt Nam, nhà gỗ hoàn toàn thích ứng được bề mặt đặc thù của đất nông nghiệp. Hiện, Nhà nước đã nới lỏng cơ chế, cho phép đặt nhà gỗ trên đất có các mục đích sở hữu khác nhau, tiềm năng ứng dụng gỗ vào xây dựng sẽ phát triển hơn nữa”. ông San nói.
Đồng qua điểm, ông Neil Dodunski đến từ Te- Kuiti, New Zealand, hiện là Tổng giám đốc Công ty Newhouse Solution cho biết, xu hướng sống trong nhà gỗ có ở nhiều quốc gia như Mỹ, News Zealand, Nhật Bản… và vẫn đang tiếp tục lan rộng. Sở hữu kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chế biến gỗ và phát triển ngành xây dựng gỗ trong thiết kế và sản xuất, với giải pháp gỗ đã qua chế tạo glulam, CLT và LVL (gỗ xẻ nhiều lớp), ông Neil Dodunski cho rằg, tòa nhà gỗ là xu hướng xây dựng không phát thải, là ông trình biểu trưng cho việc hưởng ứng xu hướng Netzero mà Việt Nam cần hướng đến.
So với Việt Nam, New Zealand là quốc gia đón nhận nhiều thiên tai, động đất, lũ lụt hơn nhưng nhà gỗ vẫn là lựa chọn tốt. Kiến trúc sư Bình San cho rằng, vấn đề lớn của Việt Nam là mối mọt nhưng hiện nay, kỹ thuật chế biến gỗ tại Việt Nam đã rất phát triển, đáp ứng chất lượng, xử lý được được vấn đề phát sinh như độ ẩm, mối mọt… tốt hơn hẳn. Điều quan trọng là Việt Nam vẫn chưa có bộ quy chuẩn kỹ thuật, quy chế chính thức xác định gỗ có thể là vật liệu xây dựng.
“Thực tế, đây là lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam, để tránh tình trạng doanh nghiệp đầu tư tự phát gây rối loạn thị trường, Nhà nước nên có bộ quy chuẩn cụ thể về chất lượng và ứng dụng gỗ kỹ thuật”, ông Neil Dodunski nhận xét. Là người trực tiếp tham gia, tư vấn vào quá trình xây dựng bộ quy chuẩn ứng dụng gỗ kỹ thuật cho New Zealand, ông Neil Dodunski cho rằng, Việt Nam có thể tham đối khung quy định về ứng dụng gỗ kỹ thuật tại các nước, điều chỉnh dựa trên thực tế các điều kiện ảnh hưởng tại Việt Nam để có được khung pháp lý về gỗ kỹ thuật riêng mình.
Đây cũng là điều mà ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) đang trăn trở. Theo ông Hà, Tavico cũng như các DN chế biến gỗ khác trong ngành từ lâu đã thử nghiệm và hoàn toàn có khả năng cung ứng gỗ kỹ thuật cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Sự thống nhất giữa các quy chuẩn thiết kế trong ứng dụng gỗ vào xây dựng sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng nguyên liệu than thiện với môi trường là gỗ nhiều hơn. Đồng thời, mở đường cho DN chế biến gỗ có thể góp phần tham gia cung ứng cho ngành xây dựng, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nguyên liệu gỗ rừng trồng.